Nguồn gốc sản phẩm Hương Núi
Là một người con của núi rừng Tây Bắc, tôi cảm thấy mình thật may mắn. Tôi yêu mảnh đất này, yêu những khu rừng già hoang sơ, hùng vĩ; những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn; những cánh rừng hoa ban trắng xóa . Và đặc biệt là những món ăn của đồng bào dân tộc chúng tôi – cái hương vị của núi rừng mà tôi không thể tìm thấy được ở bất kỳ nơi nào khác.
Tôi sinh ra và lớn trong một gia đình ở thị trấn Sapa. Nơi tôi sống có nhiều cảnh đẹp lắm. Nhất là vào dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, khi lúa bắt đầu chín những thửa ruộng bậc thang rộ lên một màu vàng ươm. Nó đẹp, một nét đẹp đến yên bình làm tôi mê mẩn.
Sống ở thị trấn nên tôi may mắn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa sống ở trong những bản làng. Nhưng tôi nhớ hồi còn bé, thỉnh thoảng tôi có theo bố mẹ, rồi những người dân trong bản lên rừng, khi thì để đốn củi, khi thì đi hái những loại rau rừng để về chế biến cho bữa cơm hàng ngày. Ngày xưa, tôi đã từng nghĩ có lẽ thiên nhiên thương những người dân chúng tôi ở đây – một nơi mà xung quanh chỉ có rừng núi, nên mới ban tặng cho Tây Bắc rất nhiều món ăn ngon và đặc biệt như thế. Nhất là vào mùa mưa, cứ lên rừng là có ti tỉ đồ ăn ngon, như măng rừng, mộc nhĩ rừng, rồi nấm hương rừng,… Vào những mùa này, hầu như bà con lại theo nhau lên rừng để thu hái về để dùng. Và để có thể dự trữ, dùng được lâu dài thì từ xưa người dân chúng tôi ở đây đã tìm cách sấy khô những loại thực phẩm này bằng cách phơi nắng hoặc gác bếp, chính vì thế quanh năm lúc nào trong mỗi nhà cũng đều có thực phẩm để sử dụng.
Thực ra, theo như trí nhớ và hiểu biết của tôi thì ngày xưa, vùng dân tộc chúng tôi không có điều kiện để có thể bảo quản được thực phẩm tươi sống nên hầu như tất cả thực phẩm, từ rau củ đến các loại thịt đều phải sấy khô, gác bếp. Nhưng cuối cùng chính sự khó khăn ấy, lại mang lại những món ăn đặc biệt, đậm hương vị núi rừng giống như món thịt trâu gác bếp. Cái vị ngai ngái của khói bếp, cộng với vị thơm cay, nồng của hạt mắc khén – hương vị mà chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi.
Ở nơi tôi sống, không chỉ có những loại rau rừng mà từ ngày xưa bà con dân tộc chúng tôi còn tìm được rất nhiều vị thuốc quý để chữa trị các loại bệnh. Tôi không biết là những vị thuốc này bắt nguồn từ ai, vào lúc nào nhưng từ bé mỗi lần, ốm đau, bệnh tật hay bị thương tôi đều được bố mẹ cho uống những vị thuốc lá. Sau này, lớn lên tôi mới biết hóa ra những vị thuốc mà tôi gọi là thần dược đấy đều là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng cho chúng tôi.
Bây giờ khi đã sống ở một nơi phồn hoa đô thị, nhưng trong tiềm thức tôi luôn nhớ về bản làng nơi mình đã từng sinh sống. Nhiều lúc, tôi thèm được hòa mình vào giữa thiên nhiên, giữa núi đồi hùng vĩ, thèm cái hương vị những món ăn của núi rừng đại ngàn. Nên thỉnh thoảng về quê, tôi lại mang một ít đồ ăn xuống thành phố để dùng dần, rồi mang một ít biếu quà cho bạn bè, người thân. Không ngờ, lại có nhiều người yêu ẩm thực của dân tộc chúng tôi đến vậy. Và tôi chợt nghĩ, tại sao mình lại không mang những đặc sản của quê hương đến gần với mọi người. Để ẩm thực Tây Bắc sẽ được nhiều người biết đến hơn, được nhiều người yêu thích giống tôi và để mọi người có thể cảm nhận được hương vị của thiên nhiên giữa cuộc sống hiện đại, xô bồ này.